VinCommerce của Vingroup hiện sở hữu hệ thống bán lẻ VinMart & VinMart+, Công ty VinEco (nông nghiệp) sẽ sáp nhập với CTCP Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer Holding để thành lập Tập đoàn Hàng tiêu dùng - Bán lẻ hàng đầu Việt Nam.
Trước đó, cuối tháng 11/2019, đại diện Masan trong một diễn đàn đã từng úp mở về kế hoạch này khi ông nói Masan đã có ý tưởng về việc "bắt tay" với các đối tác lớn ở Việt Nam để tự vệ với những tấn công từ bên ngoài về thương mại là làn sóng thứ 3 của Masan.
Những tấn công từ bên ngoài về thương mại được vị đại diện Masan chỉ ra là khi các "ông lớn" thương mại điện tử như Alibaba, Amazon gia nhập thị trường Việt Nam, điều này sẽ tác động không chỉ Masan mà cả những doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam nếu không cẩn thận có thể chỉ 3-5 năm nữa, khả năng xây dựng thương hiệu, sản xuất có thể vẫn có nhưng khả năng bán hàng sẽ mất.
Ông Trương Công Thắng, Chủ tịch HĐQT CTCP Hàng tiêu dùng Masan trong phát biểu về sự hợp tác giữa Masan và Vingroup cho biết, Vingroup đã hoàn thành sứ mệnh kiến tạo một hệ thống bán lẻ và nông nghiệp sạch hiệu quả hàng đầu Việt Nam, Masan sẽ nhận lại "ngọn cờ" này để "tiếp tục sứ mệnh phụng sự người tiêu dùng, đảm bảo sân chơi bán lẻ công bằng cho các nhà sản xuất Việt".
Đồng thời, ông Thắng cũng khẳng định sự gia nhập của VinCommerce và VinEco không chỉ cộng hưởng và nâng cao giá trị cho năng lực cốt lõi của Masan mà còn giúp Masan nhanh chóng đạt được mục tiêu trở thành Tập đoàn hàng Tiêu dùng – Bán lẻ hàng đầu trong nước, hướng tới vươn ra thế giới.
Masan hiện cũng đang có lợi thế rất lớn về thương hiệu khi có đến 12 nhãn hiệu sản phẩm đứng vị trí số 1 của các ngành hàng tiêu dùng khác nhau và mạng lưới phân phối bán lẻ lên đến gần 180.000 cho sản phẩm thực phẩm và 160.000 cho sản phẩm đồ uống. Kênh ngân hàng cũng mang lại ưu thế lớn trong sự linh hoạt huy động vốn của Masan.
Như vậy, xuất phát từ lo lắng sẽ phải chia sẻ biên lợi nhuận cho các nhà phân phối, đặc biệt là những nhà phân phối nước ngoài có khả năng khống chế thị trường, chính Masan giờ đây muốn trở thành người khống chế thị trường bán lẻ và tạo sân chơi công bằng cho các nhà sản xuất Việt.
Về phía Vingroup, chuyển nhượng hệ thống bán lẻ theo tiêu chuẩn quốc tế, có quy mô lớn nhất Việt Nam sẽ giúp Tập đoàn này giải phóng nguồn lực cho hệ thống từ lãnh đạo đến quản trị để tập trung hết sức cho mảng công nghệ và công ngiệp, cụ thể là VinFast và VinSmart, khẳng định quyết tâm trở thành Tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp – Thương mại.
Nhiều năm liền, để mở rộng thị phần, Vingroup đã chấp nhận đánh đổi lợi nhuận lấy quy mô. Đến thời điểm hiện tại, Vingroup đã sở hữu mạng lưới hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart & VinMart + tại 50 tỉnh thành với hàng triệu khách hàng; hệ thống 14 nông trường công nghệ cao VinEco.
Quý III vừa qua, mảng bán lẻ mang về cho Vingroup 7.870 tỷ đồng doanh thu, tăng 66% so với cùng kỳ và chiếm tới 25% tổng doanh thu của Tập đoàn, chỉ đứng sau mảng bất động sản. Tính chung 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu bán lẻ của Vingroup đạt 23.571 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, mảng kinh doanh này vẫn lỗ hơn 3.461 tỷ đồng do đang trong quá trình mở rộng liên tục.
Như vậy, nếu tiếp tục đầu tư, không ngoại trừ khả năng Vingroup phải chấp nhận khoản lỗ hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm để giữ được vị trí đã nhọc công xây dựng suốt thời gian qua. Trong khi đó, 2 mảng mà Vingroup ưu tiên và dự kiến sẽ là trọng tâm là ô tô và điện thoại đang ở giai đoạn đầu tư ban đầu.
Xem Thêm: Mazda CX5,New Mazda CX5